Nữ ca sĩ Thủy Tiên nổi tiếng với các hoạt động từ thiện trong thời gian qua. Cô đã từng kêu gọi ủng hộ công nhân Bình Dương về quê ăn Tết năm 2020 khi họ không được trả lương Tết với số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng, kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Tây trong đợt hạn hán đầu tháng 3/2020 với tổng số tiền lên tới 13,5 tỉ đồng. Trong đợt lũ lịch sử ở miền Trung vào tháng 10/2020, nữ ca sĩ Thủy Tiên đã kêu gọi ủng hộ từ thiện lên tới 150 tỷ đồng, số tiền lớn nhất trong lịch sử ủng hộ từ thiện. Lòng trắc ẩn và sự nhiệt tình xông pha nơi vùng lũ của Thủy Tiên vì đồng bào miền Trung ruột thịt đã lay động trái tim của rất nhiều người Việt và đó cũng là nguyên nhân khiến họ yên tâm gửi gắm cô đóng góp ủng hộ miền Trung. Cô được gọi với biệt danh “Cô Tiên” của người Việt.
Tuy vậy, đầu tháng 11/2020, Thủy Tiên đã bị nhóm Antifan tấn công. Nhóm này không chỉ công kích bản thân cô mà còn tấn công các nhãn hàng mà cô quảng cáo ở cả trong nước và nước ngoài để tẩy chay cô. Đến giữa tháng 11/2020, nhiều nhãn hàng đã hủy hợp đồng quảng cáo với Thủy Tiên, gây ra cho cô rất nhiều thiệt hại về kinh tế. Vậy vì sao Thủy Tiên lại có antifan sau hàng loạt những đóng góp thiện nguyện của cô như vậy?
Thủy Tiên chưa thực sự khéo léo trong quá trình từ thiện
Trong quá trình Thủy Tiên đi từ thiện ở miền Trung, cô đã thông báo dừng hỗ trợ đồng bào ở Hải Lăng, Quảng Trị do cô “phát hiện nhiều người khá giả đến nhận quà, rất nhiều người đeo vàng và sơn móng chân đến nhận”. Cô thậm chí thông báo phát hiện nhiều hộ có tên trong danh sách hỗ trợ đã khảo sát nhưng không có phiếu nhận quà mà người khác có phiếu nhận. Cô cũng đăng một video với nội dung chứng minh nhiều hộ khó khăn không có tên trong danh sách nhận hỗ trợ trong khi trưởng xóm lại có tên trong danh sách đó. Khi video của cô được đăng tải, có đến 400.000 lượt tương tác và dư luận tập trung vào chỉ trích chính quyền địa phương đã không trung thực và minh bạch.
Tuy vậy, chính quyền địa phương đã kiểm tra và xác nhận, những người không có tên trong danh sách hỗ trợ là vì nhà của họ không ngập đến 1m theo tiêu chí phát quà của Thủy Tiên. Trưởng xóm mà Thủy Tiên nhắc đến cũng có gia cảnh khó khăn và nhà ngập trên 1m theo tiêu chí phát quà nên có tên trong danh sách. Còn về việc những người đeo vàng khi đến nhận quà thì đó là những người nhà đi nhận hộ người có tên trong danh sách do sức khỏe yếu, không thể đến nhận trực tiếp. Thậm chí, theo Facebook Long Truong Duc, hướng dẫn viên ở Đông Hà, Quảng Trị, ngay kể cả những người đeo vàng đi nhận hỗ trợ thì cũng không có nghĩa họ giàu có. Người dân miền Trung tích lũy cả năm để mua vòng vàng phòng thân hoặc cho con cái khi lấy vợ gả chồng nên đó là cả gia tài của họ. Khi họ bị ngập lụt, gặp khó khăn thì việc cứu trợ không nên phân biệt như vậy. Còn theo nhà báo Lâm Quang Huy nhận xét, thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị có đến 92 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, 438 người con đã hi sinh, 1.700 thương bệnh binh và người dân nơi đây đã hiến hàng trăm mét đất để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu thì những gian lận hay không minh bạch về việc nhận cứu trợ bão lũ là khó có thể xảy ra.
Thủy Tiên phát tiền từ thiện theo cảm tính
Trong quá trình hỗ trợ đồng bào miền Trung, Thủy Tiên phát tiền hỗ trợ cho bà con không đồng đều ở nhiều địa phương. Có những hộ được Thủy Tiên tặng 10 triệu, thậm chí là 200 triệu đồng (cụ ông ở Hà Tĩnh), nhưng có những hộ chỉ được tặng 2 đến 3 triệu đồng. Tuy vậy, Thủy Tiên giải thích cô căn cứ vào tình hình thực tế vùng nào nghèo hơn, ngập sâu hơn và ít có đoàn từ thiện tiếp cận hơn thì cô phát nhiều hơn. Sau những lý giải của Thủy Tiên, nhiều người vẫn không cảm thấy thỏa mãn nhất là trường hợp được Thủy Tiên ủng hộ tới 200 triệu đồng sau khi cô nghe cụ trần tình về hoàn cảnh của mình. Đặc biệt, có những trường hợp do địa phương phát thiếu phiếu nhận quà đã lên trình bày hoàn cảnh và được người dân trong xã và cán bộ xác nhận, Thủy Tiên lại từ chối phát quà. Có ý kiến cho rằng, cô quyết định cảm tính khi đi từ thiện nên không đảm bảo sự hỗ trợ phù hợp cho người dân vùng lũ.
Lỗ hổng về minh bạch tài chính
Do số tiền ủng hộ bà con miền Trung lên tới 150 tỷ đồng, số tiền ủng hộ lớn nhất từ trước đến nay, nên rất nhiều người đề nghị Thủy Tiên công khai tài chính. Thủy Tiên đã in sao kê ngân hàng lần 1 và xác nhận số tiền đã sử dụng cho từ thiện từ ngày 13/10 đến 21/10/2020 là 2.699.705.000 đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Thủy Tiên chưa có thêm thông báo nào về số tiền đã chi từ thiện cho các đợt tiếp theo. Vì vậy, đó cũng là một trong những yếu tố mà antifan tấn công.
Hiệu ứng quảng cáo nhờ cứu trợ miền Trung
Theo một thông tin đăng tải trên Facebook của người trong ngành quảng cáo, khi Thủy Tiên đi cứu trợ miền Trung, tương tác đã tăng lên 50 lần, brand cháy hàng, giá lại tăng gấp đôi. Thủy Tiên vừa giúp mình, vừa giúp người. Chính vì vậy, nhiều Antifan đã cho rằng việc Thủy Tiên đi cứu trợ miền Trung là một chiến lược giúp cô kiếm bộn tiền nhờ quảng cáo. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, các hợp đồng quảng cáo đã được kí trước khi Thủy Tiên làm từ thiện dù rằng việc đăng các clip quảng cáo trong quá trình đi làm từ thiện của Thủy Tiên là nhạy cảm.
Thủy Tiên và Công Vinh bị cáo buộc thuê giang hồ “dằn mặt” antifan
Ngày 13/11/2020, trong khi mâu thuẫn giữa Thủy Tiên và antifan chưa giảm nhiệt dù Thủy Tiên đã công khai xin lỗi, một facebooker thông báo đã gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh vì bị rất nhiều đối tượng giang hồ đến đập phá chỗ làm ăn và yêu cầu giao quyền quản trị group Antifan Thủy Tiên cho họ. Thông tin này làm dấy lên nghi vấn vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh đã thuê giang hồ để “dằn mặt” antifan và khiến cho nhóm antifan càng thêm phẫn nộ và thu hút thêm đông thành viên. Đến nay, số lượng thành viên của nhóm đã lên tới hơn 60.000 người. Trong khi đó, bản thân Thủy Tiên thông báo cô sẽ không khởi kiện antifan do thương hoàn cảnh của họ.