Biện pháp cách ly để phòng tránh vi-rút corona chỉ mới được áp dụng gần đây tại châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng đã được Trung Quốc áp dụng từ cuối năm ngoái, và tới nay thì nhiều người dân Trung Quốc đã “chết dí” tại nhà của mình trong một thời gian dài. Nhiều người cho rằng điều này sẽ dẫn đến bùng nổ trẻ em ở quốc gia này, vì khi không thể rời khỏi nhà, có thể các cặp vợ chồng sẽ dùng thời gian rảnh rỗi để “sản xuất” em bé. Nhưng thực tế có vẻ không lạc quan như vậy.
Nhiều cặp đôi đã và đang chia tay, bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng đang dự định ly hôn sớm nhất có thể. Đối với nhiều người, bị mắc kẹt với người bạn đời tại chính ngôi nhà của mình 24/7 trong hơn một tháng không phải là một trải nghiệm thoải mái. Với quá nhiều thời gian rảnh rỗi và gần như không có gì để làm, nhiều người bắt đầu bộc lộ những mặt trái trong tính cách, thói quen xấu hay thậm chí một số bí mật bị lộ tẩy.
Thông thường các cặp đôi có thể sống với nhau trong nhiều năm, nhưng cả hai đều đi làm và chỉ gặp nhau một khoảng thời gian trong ngày, tức là phần lớn thời gian còn lại, mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình. Nhưng một khi cả hai phải đối diện nhau trong nhiều ngày liền – tính cách thật sự của mỗi người sẽ được bộc lộ hết.
Một số phụ nữ phát hiện ra mình đang bị chồng “cắm sừng”, một số lại nhận ra giữa họ có sự khác biệt không thể hòa hợp, mặc dù trước đó họ lại thấy có thể hòa hợp được. Có lẽ bạn cho rằng họ chỉ đang dành quá nhiều thời gian ở cạnh nhau trong một không gian bức bối, nên khó chịu thái quá cũng là điều bình thường, nhưng thực sự bạn có thể sống cả đời với một người mà thậm chí bạn còn không chịu nổi trong vòng một tháng không?
Trên các diễn đàn Trung Quốc, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh việc nghe thấy hàng xóm đấu khẩu, cãi nhau và khóc. Bên cạnh đó, một số người than phiền rằng, dù cả hai vợ chồng đều ở nhà suốt một tháng, nhưng họ hiếm khi nói chuyện với nhau quá 10 giây mỗi ngày. Dù xét ở góc độ nào đi chăng nữa, quãng thời gian tự cách ly quả rất khó khăn. Nếu sống một mình, bạn có thể thấy cô đơn và thiếu sự tương tác với con người. Mặt khác, nếu nhận ra bạn hiếm khi nói chuyện với vợ/chồng mình dù cả hai đang sống với nhau, điều này còn tồi tệ hơn.
Một vài người chia sẻ rằng đối với họ, tự cách ly tại nhà giống như sống trong nồi áp suất. Tức là bạn bị nhốt trong một không gian bí bách, những suy nghĩ tiêu cực như những con quỷ rình rập bên trong bạn, và bạn sống cùng một người với những gánh nặng cảm xúc và thói quen kỳ lạ. Ban đầu bạn nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn, sau đó bạn bắt đầu thấy bực dọc với một số thứ nhưng không muốn cãi nhau vì điều đó. Vì chẳng có cách nào để thoát khỏi tình cảnh này, nên cách tốt nhất là không cãi nhau. Từ đó, áp lực cứ dần dần tăng lên cho đến một ngày khi cả hai đều mất kiên nhất, mọi thứ nổ tung và cả hai cãi nhau một trận gay gắt chưa từng có. Đó là lý do tại sao các thành phố tại Trung Quốc đang có lượng đơn xin ly hôn tăng vọt.
Một cơ quan giải quyết hôn nhân ở Đạt Châu, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nằm phía tây nam Trung Quốc đã nhận được hơn 300 đơn ly hôn trong vòng hai tháng qua. Các thành phố khác phải giới hạn số lượng đơn ly hôn được nộp mỗi ngày, có lẽ là để hạn chế các cặp vợ chồng ra quyết định vội vã. Nhưng cách này chẳng hề hiệu quả chút nào, vì họ sẽ tiếp tục đợi đến ngày tiếp theo. Thực tế là mọi người đang xếp hàng dài để được nộp đơn ly hôn.
Liệu đây là một bài học rút ra cho tương lai, hay chỉ là một phép thử cho những cuộc hôn nhân không bền và mặt trái của tự cách ly? Rất khó để có câu trả lời chính xác ở thời điểm hiện tại. Một số ý kiến cho rằng số vụ ly hôn tăng đột biến có thể chỉ đơn giản là các cặp vợ chồng thấy căng thẳng và muốn thoát khỏi nó nhanh nhất có thể, một số lại cho rằng việc cách ly đã thức tỉnh mong muốn thực sự và mục tiêu cuộc sống của mỗi người. Vậy ý kiến nào đúng? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời.