Gia đình hạnh phúc là mong ước của tất cả mọi người. Tuy vậy, rất khó để có một định nghĩa chính xác về hạnh phúc gia đình bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nếu bạn vẫn đang mải miết đi tìm thước đo cho chuẩn mực hạnh phúc, quan điểm về hạnh phúc của Phật giáo có thể sẽ giúp ích cho bạn.
Tin tưởng nhau là làm chủ được hạnh phúc
Dân gian có câu “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Tương tự, trong quan niệm Phật giáo, để hôn nhân bền vững, gia đình hưng thịnh, vợ chồng cần phải xây dựng được niềm tin, sự hòa hợp. Theo đó, Đức Phật từng đề cập đến đạo nghĩa dành cho cả vợ lẫn chồng trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường Bộ II. Cụ thể, người chồng phải yêu thương, tôn trọng vợ; chung thủy với vợ; chu đáo quan tâm từ đời sống vật chất lẫn tinh thần; giao quyền cho vợ; sắm nữ trang cho vợ. Ngược lại, người vợ phải thương yêu, kính trọng chồng; trung thành với chồng; nhanh nhẹn làm mọi công việc; quản lý tốt nhà cửa và giữ gìn tài sản cho chồng.
Lời răn dạy của Đức Phật nghe có vẻ giản dị nhưng lại rất sâu sắc, bởi đây chính là những phẩm chất cốt lõi giúp một cặp vợ chồng có thể sống hòa thuận, cùng nhau xây dựng gia đình bền vững, an vui.
Hạnh phúc là trân trọng từng giây phút cạnh nhau
Theo quan niệm của Đạo phật, cuộc sống không có gì là vĩnh hẳng bởi “có sinh ắt có diệt, có hợp ắt có tan, có thịnh ắt có suy. Khi bạn vui, hãy hiểu rằng niềm vui không là vĩnh hằng. Khi bạn đau khổ, hãy nhớ rằng nỗi đau cũng không trường tồn. Vạn pháp thế gian vốn vô thường”. Hiểu được điều này, bạn sẽ hiểu được sự sống là thứ tài sản vô cùng quý giá. Hơn thế, mỗi một giây phút an yên trong gia đình lại càng đáng quý hơn. Do đó, những khoảng thời gian khi các thành viên trong gia đình được ngồi bên cạnh nhau, dù đang thưởng thức một bữa ăn mâm cao cỗ đầy thịnh soạn hay chỉ đang nhâm nhi ly trà chiều đạm bạc cũng đều là những giây phút rất màu nhiệm, thăng hoa. Và vì thế, thực hành sống đơn giản, ung dung, khoan khoái, quý trọng từng khoảnh khắc hiện tại là cách tốt nhất để bạn cảm nhận được hạnh phúc gia đình.
“Cho đi” là hạnh phúc
Người đời có câu “bánh ít đổi đi, bánh quy đổi lại” nhưng với đạo Phật, “cho đi” còn hạnh phúc hơn cả việc “nhận về”. Trong cuộc sống gia đình, “cho đi” là hiện thân của sự cảm thông, nhường nhịn, tha thứ, bao dung cho nhau.
Thực tế, những mối lo lắng liên quan đến công ăn việc làm, nhà cửa, xe cộ, nuôi dạy con cái, bệnh tật khiến đời sống gia đình luôn phải đối mặt với hàng loạt những mâu thuẫn, xích mích, thậm chí là xô xát kịch liệt. Khi ấy, nếu mỗi thành viên trong gia đình đều có thể cảm thông với hoạn nạn của nhau, mọi khó khăn đều có thể giải quyết bằng tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Thêm vào đó, không khí gia đình sẽ luôn vui tươi, ấm áp nếu mọi người đều có thể nhẫn nhịn nhau, rộng lượng dung thứ cho nhau khi có những hiềm khích, hiểu lầm. Đây cũng là mục tiêu mà 5 hạnh căn bản của đạo Phật hướng tới gồm Từ bi, Nhẫn nhục, Hỷ xả, Tinh tấn và Trí tuệ.
Nổi tiếng với những bài học triết lý đơn giản nhưng sâu sắc, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng dạy: “Chúng ta hãy khiến người khác hạnh phúc như làm chính mình hạnh phúc và xem nỗi đau của họ là nỗi đau của mình”. Hiểu được định nghĩa hạnh phúc của Thiền sư, chẳng phải bạn đã tìm được giá trị hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân?