Sau ung thư vú, ung thư cổ tử cung là “sát thủ” âm thầm đối với nhiều phụ nữ bởi các triệu chứng bệnh không rõ nét ở những giai đoạn đầu. Hơn nữa, căn bệnh phụ khoa này đang ngày càng trẻ hóa bởi nhiều nguyên nhân như hoạt động tình dục không lành mạnh hay mức độ stress kéo dài. Nếu bạn nằm trong một trong các nhóm dưới đây, hãy lưu ý tầm soát để phát hiện sớm căn bệnh này.
Theo các chuyên gia y tế, virus Human Papillomavirus (HPV) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Kết quả thống kê cho thấy có đến 99% bệnh nhân ung thư cổ tử cung bị nhiễm virus HPV. Trong Kế hoạch hành động quốc gia của Bộ Y tế về Dự phòng liên quan đến Kiểm soát ung thư cổ tử năm 2016 – 2025, có 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV tối thiểu một lần. Theo đó, độ tuổi 20-30 có tỷ lệ nhiễm cao nhất, có thể lên đến 20 – 25%.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng báo cáo khoảng gần 600 ngàn người mắc mới căn bệnh này trong khi hơn 300 ngàn người tử vong vì loại ung thư phụ khoa này trên toàn thế giới vào năm 2018. Riêng ở Việt Nam, ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng 14 trường hợp mắc mới, trong đó 7 trường hợp tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Ngoài việc tiêm phòng vaccine, khám phụ khoa định kỳ và vệ sinh vùng kín đúng cách, các chị em cần chú ý những nguy cơ dẫn đến khả năng mắc bệnh cao hơn để chủ động phòng tránh.
Hoạt động tình dục không lành mạnh
Nguy cơ nhiễm HPV phần lớn đến từ hoạt động tình dục kể cả quan hệ tình dục qua hậu môn hay bằng tay, miệng. Theo nhiều nghiên cứu, ngoài việc quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ, những phụ nữ quan hệ tình dục khi còn quá trẻ có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn. Cụ thể, trước tuổi 20, khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh, niêm mạc cổ tử cung nhạy cảm và dễ bị nhiễm trùng, hoạt động quan hệ sẽ khiến nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 2,53 lần so với phụ nữ sau tuổi 20. Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu càng tăng, nguy cơ mắc bệnh càng giảm.
Bên cạnh đó, việc có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình nằm trong nhóm nhiễm HPV cao cũng khiến khả năng mắc ung thư cổ tử cung của phụ nữ gia tăng.
Sinh con nhiều lần, liên tục
Với những phụ nữ nhiều lần vượt cạn, đặc biệt là phụ nữ sinh thường, cổ tử cung rất dễ tổn thương, tạo điều kiện để các virus gây bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể. Bên cạnh đó, trong thời kỳ mang thai, hormone sinh dục thay đổi và hệ miễn dịch suy yếu cũng rất dễ “mời gọi” căn bệnh quái ác này.
Theo các nghiên cứu, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 1,9 lần khi người phụ nữ sinh thường từ 2 lần trở lên. Trong khi đó, nếu sinh thường 3 lần trở lên, tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với phụ nữ sinh từ 1-2 con.
Gia đình có tiền sử mắc bệnh
Ung thư cổ tử cung có thể xuất hiện trong cùng một gia đình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong một số trường hợp hiếm gặp, yếu tố di truyền khiến một số phụ nữ ít có khả năng chống lại HPV hơn những người khác. Nếu người thân trong gia đình có tiền sử mắc phải u phụ khoa ác tính, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ này sẽ cao gấp 1,83 lần so với những phụ nữ có tiền sử gia đình bình thường.
Hút thuốc lá
Không chỉ là nguyên nhân gây ra ung thư phổi và các bệnh tim mạch, hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện các chất độc hại của thuốc lá có trong chất nhầy cổ tử cung của phụ nữ hút thuốc, gây hỏng DNA của tế bào cổ tử cung và góp phần vào sự phát triển của ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, hút thuốc cũng là tác nhân gây suy giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch trong việc chống lại virus HPV.
Theo một nghiên cứu của Viện Karolinska (Thụy Điển), phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn 27%. Trong trường hợp hút thuốc lá thụ động, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn 2 lần so với người bình thường.
Hệ thống miễn dịch thấp
Nhóm phụ nữ có hệ thống miễn dịch thấp cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao. Hệ thống miễn dịch suy giảm có thể xuất phát từ các phương pháp điều trị bệnh ung thư khác, do vi rút suy giảm miễn dịch HIV, hoặc do ức chế miễn dịch từ thuốc corticosteroid. Ngoài ra, những bệnh nhân từng được cấy ghép nội tạng cũng gặp phải tình trạng này.
Căng thẳng kéo dài
Theo Fox Chase, căng thẳng (stress), ức chế tinh thần kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ cao hơn người khác. Một nghiên cứu trên Annals of Behavioral Medicine cũng khẳng định, stress thường đi kèm với các lối sống không lành mạnh, có thể suy giảm hệ thống miễn dịch, từ đó khiến nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Ngoài các lý do phổ biến nếu trên, một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều, phụ nữ béo phì, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài cũng có nguy cơ dễ mắc ung thư cổ tử cung hơn.