Michael Phelps – VĐV bơi lội (Mỹ)
Dù chỉ đến Olympic 2024 trong vai trò là bình luận viên nhưng vận động viên bơi lội vĩ đại nhất mọi thời đại Michael Phelps vẫn là cái tên tiếp tục gây sốt bởi kỷ lục về số huy chương Olympic mà bất kỳ VĐV nào cũng khao khát. Hành trình của anh bắt đầu ở tuổi 15 tại Thế vận hội Sydney 2000, nơi anh giành được huy chương quốc tế đầu tiên. Sau đó, kình ngư này tiếp tục thống trị hồ bơi trong 5 kỳ Thế vận hội Olympic, từ Athens 2004 đến Rio 2016. Được biết đến với sự linh hoạt và sức bền vô song, “gia tài” của vận động viên người Mỹ gồm 23 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng.
2. Katie Ledecky – VĐV bơi lội (Mỹ)
Cùng với “đồng hương” Michael Phelps, Katie Ledecky cũng nằm trong danh sách những VĐV bơi lội hiếm hoi giành HCV ở 4 kỳ Olympic khác nhau. Hơn 10 năm qua, nữ VĐV sinh năm 1997 gần như thống trị “đường đua xanh” thế giới và là “nữ hoàng” thống trị ở các cự ly 400m tự do, 800m tự do và tiếp sức 4 x 200m. Tính đến nay, cô đã thu về HCV thứ 9 cùng 5 huy chương khác trong sự nghiệp, bỏ xa kỷ lục 12 huy chương trước đó của các kình ngư huyền thoại Mỹ như Dara Torres, Jenny Thompson hay Natalie Coughlin.
3. Simone Biles – VĐV thể dục dụng cụ (Mỹ)
Với 3 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc, Simone Biles đã có một kỳ Olympic Paris vô cùng thành công. Kể từ khi giành được danh hiệu đầu tiên vào năm 2013, nữ VĐV sinh năm 1997 đã bất bại ở nội dung toàn năng trong mọi cuộc thi cô tham gia. Đây là thành tựu đáng nể bởi ở môn thể thao này, các VĐV thường giải nghệ ở độ tuổi thiếu niên. Tính đến nay, cô đang sở hữu tổng cộng 11 huy chương tại các kỳ Olympic, trong đó có 7 HCV.
4. Gabby Thomas – VĐV điền kinh (Mỹ)
Nữ VĐV Gabby Thomas trở thành cựu sinh viên Harvard đầu tiên giành HCV điền kinh sau hơn 100 năm ở Thế vận hội sau khi về nhất giải 200m nữ tại Paris. Trước đó, ngôi sao Mỹ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Julien Alfred – đương kim vô địch 100m nữ Olympic Paris 2024 – người đã về đích thứ 2. Thành tích này của cô giúp điền kinh Mỹ chạm tới HCV thứ 5 tại Paris 2024. Đáng chú ý, năm 2018, để chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp, cô từ bỏ năm cuối cùng tại ĐH Harvard danh tiếng. Cô tiếp tục theo học để lấy bằng tốt nghiệp chuyên ngành sinh học thần kinh của Harvard sau đó vào năm 2019.
5. Victor Wembanyama – VĐV bóng rổ (Pháp)
Dù chỉ là một tân binh ở kỳ Olympics năm nay nhưng Victor Wembanyama đã ngay lập tức tạo nên “cơn địa chấn” đối với người hâm mộ thể thao bởi bức ảnh thi đấu của anh khi đứng cùng cầu thủ Yuki Togashi của Nhật Bản được lan truyền. Nhờ chiều cao “không tưởng” 2,24m so với chiều cao của cầu thủ kém anh 0,57m đã biến VĐV trẻ như trở thành một “tòa tháp cao lớn”, thu hút mọi sự chú ý trên sân đấu. Wembanyama được xem là “vũ khí lợi hại” của huấn luyện viên Vincent Collet. Hiện tại, ngôi sao bóng rổ sinh năm 2004 cùng các đồng đội của mình đang là ứng cử viên sáng giá cho HCV bóng rổ Olympic 2024 khi sẽ chạm mặt “kỳ phùng địch thủ” của anh ba năm trước là Mỹ.
6. LeBron James – VĐV bóng rổ (Mỹ)
Trong đội hình của đất nước cờ hoa “chạm trán” với Pháp để dành chức vô địch bóng rổ tại Paris, LeBron James là một gương mặt nổi bật. Ngôi sao Mỹ lần đầu dự Olympic vào năm 2004, sau đó cùng đội tuyển Mỹ đoạt HCV năm 2008 và 2012. LeBron James chưa thông báo chính thức về thời điểm giải nghệ nhưng khẳng định sẽ không góp mặt tại Olympic 2028 tại Mỹ. Ở tuổi 39 tuổi, vận động viên này vẫn nằm trong hàng ngũ những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất hiện tại. Năm nay, anh vinh dự là nam cầu thủ bóng rổ đầu tiên được cầm cờ đoàn thể thao Mỹ tại lễ khai mạc ở Paris.
7. Arisa Trew – VĐV trượt ván (Úc)
Arisa Trew, nữ vận động viên trượt ván mới 14 tuổi người Úc đã ngay lập tức gây chú ý khi trở thành vận động viên trẻ nhất đoạt HCV Thế vận hội Paris 2024. Ở môn trượt ván công viên nữ, cô bé sinh năm 2010 đã thi đấu thăng hoa tại quảng trường Concorde. Sau chuỗi động tác mượt mà, bao gồm loạt cú 540 mãn nhãn và một cú front nose blunt ấn tượng, Arisa Trew giành vị trí cao nhất với 93,18 điểm.
8. Chiharu Shida – VĐV cầu lông (Nhật Bản)
Một đại diện nhan sắc khác gây chú ý tại kỳ Thế vận hội 2024 là Chiharu Shida – vận động viên cầu lông người Nhật Bản. Dù chỉ nhận được HCĐ ở nội dung cầu lông đôi nữ, Chiharu Shida vẫn được cư dân mạng yêu mến nhờ nét đẹp trẻ trung, thuần khiết và trong sáng. VĐV sinh năm 1997 được cộng đồng mạng bình chọn là nữ VĐV xinh đẹp nhất Thế vận hội 2024. Thậm chí, khi cô khóc trên bục vì để lỡ 2 vị trí cao nhất trên bục vinh quang, một số khán giả còn trêu đùa rằng cảnh khóc của cô vẫn “hút hồn” không kém.
9. Kim Ye Ji – VĐV bắn súng (Hàn Quốc)
Không quá đặc biệt bởi thành tích thi đấu, Kim Ye Ji lại trở thành cái tên gây sốt nhờ phong thái thi đấu tự tin và thần thái “sắc lẹm” của cô khi cô về nhì ở nội dung súng ngắn hơi 10m nữ tại kỳ Thế vận hội 2024. Trước đó, hồi tháng 5, tại Giải vô địch thế giới ở Azerbaijan, xạ thủ 31 tuổi đã phá kỷ lục thế giới với nội dung súng ngắn hơi 25m nữ. Sau thành tích đó, trong khi khán giả hò reo chúc mừng thì cô lại vô cùng bình thản cất súng vào hộp mà không có bất cứ biểu hiện cảm xúc nào trên khuôn mặt xinh đẹp. Hình ảnh của cô được cộng đồng mạng ví von như những nữ “sát thủ” bước ra từ các bom tấn Hollywood.
10. Alica Schmidt – VĐV điền kinh (Đức)
Alica Schmidt kết thúc Thế vận hội Paris sau thất bại ở nội dung chạy tiếp sức 4×400 mét nữ do chỉ chạm đích ở vị trí thứ bảy trong lượt chạy thứ hai của vòng loại. Tuy nhiên, người đẹp tóc vàng vẫn là cái tên gây chú ý nhất nhì mùa giải vì được giới truyền thông ca tụng là “vận động viên quyến rũ nhất thế giới”. Sở hữu chiều cao 1,75m, Alica Schmidt gây chú ý với thân mình chuẩn người mẫu cùng gương mặt quyến rũ và đôi mắt xanh đẹp hút hồn. Ngoại hình nóng bỏng với cơ bụng săn chắc, dù trên đường đua hay trong phòng tập đã giúp người đẹp 26 tuổi thu về 5,3 triệu lượt theo dõi tài khoản Instagram.