Trái cây tươi luôn được cho là nguồn dinh dưỡng tự nhiên lý tưởng nhất. Tuy nhiên, có một số quả khi được nấu chín sẽ tăng giá trị dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe không ngờ.
Cam
Khi cam được hấp chín, tính hàn sẽ được giảm đi đáng kể nên rất phù hợp với những người thường xuyên bị lạnh bụng. Lưu ý, trong vỏ cam có chứa nhiều tinh dầu và noscapine, tốt cho việc giảm ho, long đờm và khi được nấu chín, các thành phần này được giải phóng tốt hơn, làm tăng hiệu quả của chúng. Ngoài ra, trong vỏ cam còn có chất beta-cryptoxanthin, hỗ trợ điều trị ung thư phổi rất hiệu quả.
Để giúp giảm ho, bạn có thể hấp nguyên quả cam còn vỏ với muối, gừng hoặc đường phèn. Quá trình hấp cam sẽ làm mềm các sợi chất xơ trong loại quả này, giúp trẻ em và người già dễ ăn hơn. Tuy nhiên, việc nấu chín cam sẽ làm giảm lượng vitamin C có trong quả cam nên nếu mục tiêu chính của bạn là bổ sung vitamin C, hãy trung thành với cam tươi nhé!
Táo
Táo rất dồi dào chất xơ, vitamin C và các chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch, góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch hay ung thư. Tuy nhiên, lượng axit trong táo có thể gây khó chịu cho dạ dày ở một số người.
Để giúp việc tiêu hóa táo dễ dàng hơn, bạn hãy thử chế biến táo bằng cách hấp cách thủy. Ngoài ra, khi hấp, pectin – hoạt chất vàng trong việc chữa lành và loại bỏ độc tố trong ruột sẽ được giải phóng gấp 9 lần táo tươi. Nhờ khả năng cản trở ruột hấp thu axit mật, hoạt chất pectin này còn giúp giảm cholesterol và làm sạch mạch máu, giảm tình trạng máu đông. Sau khi hấp, các vitamin và khoáng chất trong táo dễ dàng hòa tan hơn và dễ được cơ thể hấp thu tối đa. Bên cạnh việc hấp, bạn cũng có thể nướng táo nguyên vỏ hoặc dùng táo để nấu sốt trong các món ăn. Dù chế biến bằng cách nào đi nữa, hãy ưu tiên chọn táo hữu cơ không hóa chất và giữ lại vỏ táo để giữ nguyên lượng chất xơ và một số hoạt chất phytochemical giúp chống ung thư có trong nó.
Táo gai
Táo gai (tên gọi khác là sơn trà) là loại trái cây giàu kali, vitamin C, flavonoid hay hợp chất quý triterpene, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường tiêu hóa, điều hòa huyết áp, bảo vệ tim mạch, chống viêm và ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, táo gai tươi có vị chát, có thể gây kích ứng đường ruột cho những người có dạ dày yếu. Khi nấu chín, vị chát của táo gai sẽ giảm đáng kể và các chất dinh dưỡng của nó cũng được hấp thụ dễ dàng hơn.
Ngoài ra, hợp chất có lợi cho tim mạch là flavonoid hay triterpen cũng được giải phóng tốt hơn khi táo gai được nấu ở nhiệt độ cao. Bạn có thể sấy khô táo gai để pha trà hay nấu cháo, hoặc cũng có thể hấp chín và hãm táo gai với nước sôi để uống. Nếu bạn muốn cải thiện thể trạng hoặc giảm táo bón, bạn có thể hấp đường phèn với táo gai theo phương pháp cách thủy.
Bưởi
Với hàng loạt vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể như kali, folate, canxi, vitamin C, flavonoid hay chất xơ, bưởi rất hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe đường ruột, kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ chức năng tim và thận và giúp duy trì huyết áp ổn định. Đặc biệt, trong vỏ bưởi cũng rất giàu hesperidin và naringin, đều là các loại flavonoid có khả năng chống dị ứng, chống ung thư, bảo vệ gan khỏi tổn thương.
Trong các bài thuốc xưa, bưởi thường được chưng cách thủy với đường phèn, mật ong, táo tàu hoặc gừng để làm ấm cơ thể, long đờm, giảm ho, chữa viêm loét dạ dày và giảm đau đầu. Bên cạnh đó, việc dùng vỏ bưởi tươi để nấu chè hoặc phơi khô vỏ bưởi để hãm trà uống cũng là những lựa chọn mới cho sức khỏe mà bạn có thể thử.
Chuối
Trong quả chuối có chứa nhiều chất xơ, kali và đường tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe tim mạch, hệ tiêu hóa và cũng giúp hỗ trợ điều hòa huyết áp. Chuối cũng chứa nhiều tryptophan, một loại amino acid giúp cơ thể sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin, tác dụng tốt trong việc cải thiện tâm trạng và giấc ngủ. Ở nhiệt độ cao, hoạt chất tryptophan có trong chuối được giải phóng hiệu quả hơn, mang lại tác dụng thư giãn tốt hơn.
Khi nấu chín, các chất xơ trong chuối bị phá vỡ và dễ tiêu hóa hơn. Chuối luộc hoặc hấp cả vỏ cũng tốt hơn trong việc trị táo bón, thậm chí là trĩ nội hay trĩ ngoại. Đáng lưu ý, chuối nấu chín thường có hương vị đậm đà và thơm hơn. Do vậy, chuối thường được dùng để chế biến nhiều món tráng miệng hấp dẫn như bánh chuối nướng, chè chuối, chuối hấp, v.v.
Lê
Lê cũng là loại trái cây giàu chất dẫn truyền thần kinh tryptophan, có công dụng rất tốt trong việc cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, lượng vitamin C, magie, chất xơ và chất chống oxy hóa trong lê cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thư giãn cơ bắp, làm đẹp da, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ ổn định đường huyết.
Khi được nấu chín, tính hàn trong quả lê giảm rõ rệt so với lúc tươi sống, giúp tránh được hiện tượng lạnh bụng ở những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Trong các bài thuốc truyền miệng, lê thường được hấp với mật ong hoặc đường phèn để chữa ho, chữa long đờm, giúp dễ ngủ. Để tận dụng triệt để công dụng của lê nấu chín, bạn cũng có thể thử nấu chè lê để bổ sung vitamin và giải nhiệt, nấu súp lê hoặc lê hầm thịt để tăng sức đề kháng cho cả gia đình nhé!