Cà phê là một trong những loại thức uống được ưa chuộng nhất trên thế giới. Tôi dám cá rằng hàng triệu con người trên trái đất sẽ không thể nào bắt đầu một ngày làm việc của mình nếu thiếu cốc cà phê nóng vào buổi sáng, chưa kể nhiều người còn thích uống cà phê trong ngày nữa chứ. Ngoài ra, mỗi quốc gia sẽ có những cách pha cà phê khác nhau. Trước đây, Ethiopia vốn là cái nôi của hạt cà phê nhưng cách chế biến cà phê đã được con người biến tấu thành rất nhiều phiên bản khác nhau trong suốt hàng trăm năm qua. Người ta có thể pha cà phê chung với đủ thứ nguyên liệu, từ phô mai cho đến bột hương liệu . Vì vậy nên chúng ta hãy cùng xem qua những tách cà phê tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ có hình dáng như thế nào nhé.
Yuenyeung (Hồng Kông)
Tôi nghĩ rằng bạn đã không còn xa lạ gì với món cà phê pha với sữa rồi, vậy thì bạn nghĩ sao về cà phê pha cùng trà sữa? Đó quả thật là cách người Hồng Kông thưởng thức cà phê đấy. Loại cà phê này còn có tên gọi là Kopi Cham ở Malaysia, đây là thức uống được tạo nên bởi sự hòa quyện giữa cà phê và trà sữa truyền thống và có thể được dùng khi nóng hay lạnh tùy ý. Theo lời của ngài Lam – một chủ quán nhà hàng tại Hồng Kông – ông chia sẻ rằng mình đã tự sáng chế thức uống này và phục vụ chúng trong nhà hàng của mình từ tận năm 1952 đấy.
Cà phê trứng (Việt Nam)
Việt Nam chắc chắn là một vùng thánh địa vô cùng nổi tiếng đối với những tín đồ cà phê muốn khám phá các nước Châu Á. Tại quốc gia này, bạn sẽ tìm được những phiên bản cà phê được biến tấu đa dạng, nhưng có lẽ loại cà phê độc đáo nhất đất nước này được tọa lạc tại thủ đô Hà Nôi – đó là món cà phê trứng. Theo những câu chuyện được lưu lại, cà phê trứng có nguồn gốc từ thời chiến tranh. Bởi thời ấy hiếm ai mua được sữa nên người ta đành phải đánh lòng đỏ trứng cùng với đường (thêm sữa đặc nếu có) để uống cùng với cà phê đen Robusta đậm đặc. Tách cà phê này chắc chắn sẽ có vị béo ngậy cho mà xem!
Kaffeost (Phần Lan)
Nếu bạn từng cho rằng cà phê và phô mai là hai nguyên liệu chẳng ăn nhập gì với nhau thì đừng quá bất ngờ trước thông tin sắp đọc được nhé. Những quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy có một thức uống cà phê được chế biến rất kì lạ có tên là kaffeost. Nguyên liệu thiết yếu để chuẩn bị thức uống này chính là phô mai juustoleipä, đây là loại phô mai đặc biệt được sấy khô chỉ có ở những nước thuộc bán đảo Scandinavie. Để pha chế ra món này, ta chỉ cần cho một vài miếng phô mai Juustoleipä vào trong tách cà phê nóng hổi và thưởng thức. Những miếng phô mai sẽ từ từ ngấm nước cà phê và trở nên mềm xốp, nên bạn hãy cố gắng thưởng thức trước khi chúng tan ra và hòa quyện vào cà phê hoàn toàn nhé.
Flat white (Australia)
Ngày nay, bạn có thể thưởng thức một tách cà phê flat white tại bất kì quán cà phê nào trên toàn thế giới. Nhưng đây là một điều tưởng chừng như viển vông trong quá khứ đấy! Cà phê flat white có tuổi đời khá trẻ vì mãi cho đến những năm 80 thì người ta mới sáng chế ra loại cà phê này ở Syney, Úc. Thức uống này tuy có phần giống latte bởi lượng cà phê espresso như nhau, nhưng lượng sữa của flat white là hoàn toàn khác với latte. Để pha một tách flat white, bạn sẽ cần dùng khoảng một hoặc hai shot cà phê espresso cùng với một lớp bọt sữa mỏng. Vì chứa ít sữa hơn nên cà phê flat white có phần mạnh hơn latte.
Espresso Romano (Italy)
Espresso là một trong những loại cà phê được ưa chuộng nhất tại Rome, nên bạn sẽ bắt gặp được nhiều cách pha chế espresso rất đa dạng khi tham quan Rome đấy. Một cách uống cà phê khá mới lạ ở Rome chính là uống kèm với một lát chanh. Người pha chế sẽ đặt lát chanh bên cạnh tách cà phê hoặc để thẳng vào cà phê khi phục vụ. Vị chua của chanh sẽ khiến cho cà phê có vị ngọt hơn nên bạn không cần thêm đường khi thưởng thức món cà phê này đâu!
Türk Kahvesi (Thổ Nhĩ Kỳ)
Người Thổ Nhĩ Kỳ vốn rất nổi tiếng bởi tình yêu nồng nhiệt với cà phê của mình. Nhờ vậy mà họ đã cho ra đời một phương pháp pha cà phê vô cùng thơm ngon với nguyên liệu là một chiếc bình có cán dài được làm bằng đồng thau, đồng đỏ hoặc đất sét có tên gọi là cezve. Cà phê phải được nghiền thành bột rất mịn và được trộn với đường cát và một vài hương liệu khác tùy ý. Để pha cà phê theo đúng chất Thổ Nhĩ Kỳ, bạn cần đun cà phê trong chiếc bình cezve với nhiệt độ vừa phải để cà phê chỉ vừa nóng và có bọt chứ không cần sôi. Sau đó hãy tắt bếp, khuấy đều cà phê rồi lại đun nóng thêm một lần nữa. Bạn có thể đun cà phê trên bếp lửa hoặc trong một chảo cát nóng đặc biệt.
Kopi Susu Panas (Malaysia)
Malaysia là một trong những quốc gia Châu Á thích thưởng thức cà phê ngọt và béo ngậy vị sữa. Chính vì vậy mà cách pha cà phê nổi tiếng nhất của họ chính là thêm sữa đặc vào một tách cà phê đậm đặc! Chỉ khi người Anh nhập khẩu cà phê vào Malaysia vào thế kỷ 19 thì người dân Malay mới bắt đầu có văn hóa uống cà phê. Và họ lập tức tìm cách biến tấu cà phê theo một cách đặc biệt, đó là pha cà phê từ hạt cà phê được xay nhuyễn và thêm sữa đặc có đường vào để thưởng thức.
Café de Olla (Mexico)
Café de Olla nổi tiếng với hương vị đặc biệt vì cà phê thường được đun cùng với một thanh quế, đây chính là nguyên liệu làm nên hương thơm và vị ngọt đặc trưng của cà phê Mexico. Loại cà phê này thường được đun trong một chiếc nồi làm bằng đất sét, điều này khiến cho cà phê có vị dịu nhẹ nhưng cũng đậm đà không kém. Đây cũng chính là lý do vì sao tên gọi của món cà phê này có nghĩa là “cà phê nồi đất”. Khi thưởng thức, bạn có thể uống cà phê cùng với một vài viên kẹo đường để tăng thêm độ ngọt.
Café Touba (Senegal)
Café Touba có lẽ sẽ là một trong những loại cà phê thơm phức và có mùi thơm nồng nhất trong số các cách pha chế cà phê. Các loại bột hương liệu được trộn vào khi rang cà phê chính là chìa khóa giúp cho cà phê có được hương thơm đặc trưng đến như vậy. Người ta phải nhập một loại tiêu Guinea đặc biệt để có thể chế biến được loại cà phê này. Khi rang cà phê, bạn cần thêm một ít tiêu đen trước khi xay nhuyễn. Sau đó thì quy trình pha cà phê sẽ không có gì khác biệt nhiều, nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được mùi vị và hương thơm đặc biệt khi thưởng thức cà phê ngay!