Một trong những món ăn “làm mưa làm gió” cộng đồng mạng năm 2024 là gỏi gà măng cụt. Dù không phải là món ăn mới nhưng nhờ sự phổ biến của mạng xã hội, món ăn độc lạ từ Bình Dương này lại có thể “xâm nhập” căn bếp của các bà nội trợ từ Nam chí Bắc, thậm chí “lên máy bay” sang Mỹ để phục vụ nhu cầu “đu trend” của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Món gỏi gà măng cụt được săn lùng khắp mạng xã hội
Nếu là fan của măng cụt, chắc hẳn bạn đã rất quen thuộc với lớp vỏ màu tím khi chín của loại quả này và hương vị chua ngọt tinh tế của những múi măng cụt mọng nước mà không loại trái cây nào có được. Ở Việt Nam, măng cụt thường được trồng nhiều ở các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ được sử dụng khi chín, trái măng cụt cũng có thể lên bàn ăn khi còn sống khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Cụ thể, múi của những trái măng cụt xanh được xem là nguyên liệu hoàn hảo khi kết hợp với gà luộc trong món gỏi trộn. Trước khi trở thành món ăn xu hướng trên mạng xã hội, gỏi gà măng cụt là một đặc sản nức tiếng ở Bình Dương, đặc biệt ở các vùng miệt vườn Lái Thiêu, thường được phục vụ các thực khách vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.
Nhờ các “đầu bếp” TikTok, năm 2024, gỏi gà măng cụt trở thành món ăn được người người, nhà nhà yêu thích. Đây cũng là lý do khiến măng cụt xanh được săn lùng, có thời điểm cháy hàng nên được thu hái liên tục. Điều này cũng làm giới thương buôn lo ngại sẽ đe dọa đến sản lượng măng cụt chín thường niên.
Không chỉ khó mua, cách chế biến măng cụt xanh cũng rất cầu kỳ. Thông thường, quả măng cụt được chọn làm gỏi sẽ có vỏ hơi xanh, còn vàng nhẹ nhưng vỏ phải cứng để đảm bảo ruột trắng giòn, mọng nước và có hương vị chua xen lẫn chát và ngọt dịu. Trước khi sơ chế, măng cụt được ngâm trong nước muối loãng để bớt mủ. Sau đó, măng cụt sẽ được gọt bằng dao mũi nhọn ngay dưới vòi xả nước liên tục để làm sạch phần nhựa vàng. Cuối cùng, ruột măng cụt được ngâm trong nước đá để giữ được màu trắng, giảm độ chát và tăng độ giòn khi trộn gỏi. Do yêu cầu sơ chế kỳ công, có thời điểm, ruột măng cụt xanh gọt sẵn có giá lên tới 500.000 – 600.000 đồng trong khi giá măng cụt xanh chưa gọt chỉ khoảng 70.000 – 80.000 đồng mỗi cân. Bên cạnh đó, măng cụt xanh còn được “xuất ngoại” sang Mỹ, về tay cộng đồng người Việt ở nước ngoài với giá lên tới 120 USD (tương đương 2,8 triệu đồng) mỗi ký.
Cách làm gỏi gà măng cụt
Theo chia sẻ của những nhà vườn măng cụt Lái Thiêu, để làm được món gỏi gà măng cụt ngon chuẩn vị, bạn cần tìm loại gà có thịt chắc, dai, thông thường là gà thả vườn hoặc gà tre. Ở các quán ăn của nhà vườn Lái Thiêu hoặc các quán ăn chuyên phục vụ gỏi gà măng cụt, gà công nghiệp không được ưa chuộng vì thị bở, nhạt.
Sau khi đã chọn được loại gà chất lượng, bạn chỉ cần sơ chế, luộc gà, xé nhỏ và trộn với một ít muối tiêu cùng nước mắm chua ngọt để thịt gà ngấm gia vị.
Về phần măng cụt, sau khi rửa sạch phần ruột măng cụt đã sơ chế, bạn giữ nguyên hạt, cắt mỏng thành các lát có tạo hình bông hoa. Sau đó, bạn trộn phần măng cụt đã cắt mỏng với hỗn hợp đường và nước cốt chanh (hoặc giấm) để măng cụt không bị thâm.
Sau khi thịt gà, măng cụt đã ngấm đều gia vị, bạn đem trộn chung với cà rốt và hành tây cắt sợi, rau thơm, hành phi, đậu phộng rang, ớt cắt lát mỏng. Để món ăn thêm phần đậm đà, bạn hãy pha chế thêm một chén nước mắm chua ngọt để trộn ăn cùng gỏi.
Món gỏi gà măng cụt sẽ thú vị hơn nếu được ăn kèm với bánh tráng mè nướng hoặc bánh phồng tôm chiên. Vị chua – chát – ngọt thanh nhẹ của măng cụt cộng với vị mềm, ngọt của thịt gà, hòa quyện với chút giòn bùi của lạc rang, chút sần sật của cà rốt, chút cay the của hành tây cùng các loại rau thơm sẽ khiến cả gia đình bạn phải thích thú.