Trong mùa hè nắng nóng, một ly nước giải khát bổ dưỡng sẽ giúp bạn xoa tan cái nóng, tiếp thêm năng lượng, giúp bạn có những ngày hè khỏe khoắn, năng động. Hãy cùng tìm hiểu top 6 loại nước uống tốt cho sức khỏe trong mùa hè sau đây nhé!
- Trà xanh
Đứng đầu các loại đồ uống thảo dược giúp giải nhiệt mùa hè là trà xanh. Theo y học cổ truyền, trà xanh là thảo dược có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh nhất. Do vậy, trà xanh sẽ giúp giảm mệt mỏi, làm mát da, giải nhiệt, thải độc tố trong cơ thể và trên da, giúp da sáng mịn. Ngoài ra, uống trà xanh thường xuyên cũng giúp bạn phòng ngừa một số bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu.
Theo các chuyên gia y tế, mỗi ngày, bạn có thể uống tối đa 4-5 tách trà, tương đương khoảng 800ml trà xanh. Nếu bạn không thích vị chát của trà, bạn có thể thêm vào trà xanh chút đường hoặc sữa đặc và bỏ chút đá. Bạn sẽ có một ly trà đường hoặc trà sữa rất ngon đấy. Tuy nhiên, bạn không nên cho nhiều đường hoặc sữa đặc để tránh bị tăng cân nhé. Bạn cũng không nên uống trà xanh buổi tối vì có thể dẫn đến chứng mất ngủ và không nên uống trà xanh lúc đói vì có thể khiến bạn bị “say” trà xanh nhé!
- Nước cam/chanh
Nước cam, nước chanh là loại đồ uống được ưa chuộng trong những ngày hè bởi cam và chanh chứa hàm lượng Vitamin C cao, giúp tăng cường sức đề kháng, giải nhiệt cơ thể. Bên cạnh đó, nước cam, nước chanh cũng có tác dụng thải độc, lợi tiểu, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hỗ trợ tiêu hóa, làm mát phổi, giảm tích tụ chất độc trong cơ thể, đồng thời giảm tình trạng lão hóa da.
Tuy vậy, bạn không nên dùng nước cam/chanh khi đang đói và trước khi đi ngủ. Bạn có thể thử kết hợp chế biến nước cam/chanh với đường phèn hoặc mật ong để thức uống trở nên thanh ngọt, dễ uống hơn.
- Nước bí đao/nước vỏ dưa hấu
Nhiều bạn đã quen thuộc với nước bí đao nhưng chưa biết đến nước vỏ dưa hấu. Cả hai loại nước uống này đều là những loại nước rất tốt cho việc thanh nhiệt, giải khát. Theo Đông y, vỏ bí đao có tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị thận, giảm viêm sưng và tốt cho người bệnh tiểu đường. Trong khi đó, vỏ dưa hấu có tác dụng bổ sung vitamin C, kháng viêm, phòng nguy cơ sỏi thận và tăng sức đề kháng.
Mùa hè, bạn có thể nấu bí đao hoặc vỏ dưa hấu thái nhỏ cùng đường phèn với nước để uống hằng ngày, giúp bù nước cho cơ thể.
- Nước nha đam đường phèn
Nha đam (lô hội) là loại cây thông dụng, dễ trồng trong vườn hoặc chậu cảnh của nhiều gia đình. Không chỉ nổi tiếng với công dụng làm đẹp da, giúp mượt tóc, làm lành vết thương ngoài da, loại cây này còn trở thành nguyên liệu cho món nước uống nổi tiếng mùa hè “nha đam đường phèn”. Theo y học, nha đam có chứa hoạt chất tốt cho gan thận, thúc đẩy hệ bài tiết và lọc máu. Ngày hè nắng nóng, uống nước nha đam đường phèn sẽ giúp cơ thể tăng cường đề kháng, cấp nước, thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể.
Tuy vậy, lưu ý là trong nha đam có hoạt chất nhuận tràng nên nếu bạn quá lạm dụng thức uống này có thể gây ra chứng tiêu chảy.
- Nước rau má
Rau má là một loại thảo dược có tác dụng trị táo bón, lợi tiểu, giảm mụn nhọt. Nước ép rau má được ưa chuộng trong mùa hè vì có nhiều vitamin như B1, B2, B3, K có thể giúp thải độc, hỗ trợ tiêu hóa, tăng thị lực và thanh nhiệt cơ thể. Đặc biệt, rễ rau má là phần có chứa nhiều dưỡng chất hơn lá cây. Do đó, khi làm nước ép, bạn có thể rửa sạch luôn cả phần rễ để sử dụng. Tuy nhiên, bạn không nên dùng rau má trong trường hợp bạn đang có thai hoặc bị bệnh tiểu đường.
- Nước đậu/đỗ rang
Một trong những thức uống được sử dụng nhiều để giải nhiệt cơ thể mùa nắng nóng hiệu quả là nước đậu/đỗ rang. Trong y học cổ truyền, các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen đều có tác dụng giải độc, thanh nhiệt và thậm chí hỗ trợ làm đẹp da, chữa mụn nhọt.
Trước hết, bạn cần chọn đậu sạch, rang chín đậu và trữ sẵn trong hộp kín. Sau đó, ngâm một lượng thích hợp với nước sôi đến khi nước chuyển sang màu nâu đen là có thể dùng được như nước trà.
Cần lưu ý là nếu bạn đang có vấn đề tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa thì không nên uống nước đậu rang vì thức uống này có tính hàn, sẽ khiến tình trạng tiêu hóa của bạn càng thêm trầm trọng. Người bị huyết áp thấp, bị bệnh về thận, người có thể trạng yếu cũng không nên dùng nước đậu rang.