≡ Trà Atisô: Bên cạnh lợi ích còn có những tác dụng phụ không ngờ! 》 Her Beauty

Trà Atisô: Bên cạnh lợi ích còn có những tác dụng phụ không ngờ!

Advertisements

Với các “tín đồ” của trà thảo mộc, trà Atisô được xem là trà “thần dược” vì những lợi ích đa dạng như giải độc, mát gan, an thần. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng loại trà này, bạn sẽ đối mặt với một số tác dụng không mong muốn.

Trà Atisô là gì?

Atisô (cynara cardunculus) là một giống cây thuộc họ hoa hướng dương có nguồn gốc từ Địa Trung Hải. Tại Việt Nam, loại cây này hiện được trồng nhiều ở các vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm như Lâm Đồng, Tam Đảo, Sa Pa, v.v.

Khác với nhiều loại thảo mộc, mọi bộ phận của Atisô đều có giá trị sử dụng. Trong đó, nụ hoa Atisô non thường được dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm còn lá, thân và rễ được dùng làm thuốc. Ngoài ra, nụ hoa và lá Atisô cũng được sấy khô để làm trà dưới dạng túi lọc tiện dụng hoặc dạng lát nguyên chất. 

Từ lâu, việc thưởng thức trà Atisô cũng đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Bạn có thể dễ dàng có một ly trà Atisô chỉ sau vài phút pha cùng nước đun sôi mà không cần pha chế cầu kỳ. 

Lợi ích phong phú từ trà Atisô

Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, uống trà Atisô là một cách tuyệt vời để có được những lợi ích to lớn từ loại trà thảo mộc này. 

Nguồn dinh dưỡng và khoáng chất phong phú

Theo chuyên gia dinh dưỡng Brigitte Zeitlin, Atisô là một trong những thực phẩm hoàn hảo chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, C và Thiamine (B1) cùng với các khoáng chất như magiê, sắt và kẽm. Dùng lá Atisô đun sôi sẽ giúp phát huy mạnh mẽ các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa của Atisô. 

Giúp tăng cường hệ miễn dịch

Nhờ lượng vitamin C và chất chống oxy hóa khá dồi dào, trà Atisô có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Ngoài ra, Atisô cũng được xem là một loại prebiotic tốt nên có thể giúp tăng cường hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó giúp cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể. Atisô cũng rất giàu protein, một chất cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào và thúc đẩy khả năng miễn dịch. 

Giải độc và cải thiện chức năng gan

Công dụng thường được nhắc đến nhiều nhất của Atisô là giải độc gan. Hai hợp chất có trong Atisô là cynarin và silymarin có thể hỗ trợ giải độc tố trong gan. Ngoài ra, Atisô cũng có đặc tính tái tạo gan tương tự như cây kế sữa – một loại cây đặc biệt được biết đến với công dụng bảo vệ tế bào gan khỏi các loại thuốc và hóa chất độc hại. 

Ngăn ngừa ung thư phát triển

Theo nhiều báo cáo, Atisô có thể giúp kìm hãm các tế bào ung thư vú, làm chậm hoạt động của các tế bào ung thư gan, tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tụy. 

Lý do là bởi Atisô có chứa silymarin, một loại flavonoid có công dụng rất tốt trong phòng chống ung thư. Ngoài ra, trong Atisô còn có các chất chống ôxy hóa như rutin, quercetin và axit galic, có thể làm giảm sự phát triển của các tế bào ung thư. Thậm chí, các polyphenol có trong loại cây này cũng có khả năng gây chết tế bào ung thư.

Làm giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt

Loading...

Chiết xuất từ lá Atisô có thể thúc đẩy lưu lượng mật, từ đó giúp tăng cường hoạt động bài tiết cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể. Một nghiên cứu của Ý cho thấy, Atisô có thể đẩy lùi lipid và đường huyết, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Không chỉ làm giảm cholesterol xấu, một nghiên cứu từ Đức cũng đã chứng minh loại cây này cũng có khả năng làm tăng mức cholesterol tốt trong cơ thể. 

Cải thiện sức khỏe làn da

Atisô là thực phẩm giàu polyphenol và chất chống oxy hóa, có thể giúp cải thiện sức khỏe làn da và làm chậm quá trình lão hóa da. Ngoài ra, Atisô cũng rất giàu vitamin C, một trong những chất có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển collagen khỏe mạnh, giúp da luôn căng mướt. Lá Atisô cũng chứa cynaropicrin, một hợp chất quan trọng có thể bảo vệ da và giúp giảm tác hại do tia UV gây ra. 

Tác dụng phụ của trà atisô

Mặc dù Atisô có nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng việc lạm dụng loại thức uống này quá nhiều cũng gây nên những tác hại cho cơ thể. 

Gây chướng bụng

Theo lương y Vũ Quốc Trung, do Atisô tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột nên việc uống trà Atisô liên tục sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa. Khi đó, cơ trơn hệ tiêu hóa sẽ bị co thắt, gây ra chứng đầy hơi, chướng bụng. Ngoài ra, Atisô là thực phẩm có tính hàn nên những người ăn uống khó tiêu, có cơ địa tỳ vị yếu, lạnh nếu dùng Atisô sẽ tăng nặng chứng khó tiêu, bụng sình hơi. 

Gây hại gan

Cũng chính vì khả năng kích thích tăng tiết mật trong cơ thể của Atisô nên người dùng trà Atisô quá nhiều sẽ dễ bị mất cân bằng các chất và dẫn đến nhiều loại bệnh tật, thậm chí là teo gan. Do đó, dù có lợi cho gan nhưng với những người mắc bệnh về gan cần phải thận trọng khi sử dụng loại thức uống này và đặc biệt phải tuân theo chỉ dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Ngoài ra, chiết xuất lá Atisô cũng có thể khiến túi mật co thắt. Vì vậy, những người đang bị sỏi mật hoặc tắt nghẽn ống mật cũng nên tránh xa loại trà này.

Gây suy thận

Trà Atisô có thể giúp lợi tiểu, giải nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng quá liều, người dùng sẽ bị mất cân bằng điện giải, hoạt động đào thải hoạt chất tăng cao, dẫn đến việc hấp thu kém các vi chất cần thiết như canxi, kali, v.v. Về lâu dài, nếu việc này diễn ra thường xuyên, người dùng có thể mắc chứng suy thận.

Gây chán ăn

Trong trà Atisô, hàm lượng sắt chiếm ưu thế nhưng lại thiếu nhiều chất khoáng như kẽm, crôm, manga. Khi hấp thụ sắt quá mức, cơ thể sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi, từ đó gây chứng biếng ăn.

Nên dùng atisô bao nhiêu là đủ?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng và Đông y, để tránh những tác hại không mong muốn từ trà Atisô, mỗi ngày, bạn chỉ nên dùng 10-20gram Atisô tươi hoặc 5-10gram Atisô khô để pha trà. Ngoài ra, tín đồ của trà thảo dược không nên uống trà Atisô liên tục. Thay vào đó, mỗi đợt, bạn chỉ nên uống trà Atisô trong 10 ngày rồi “tạm nghỉ” trước khi chuyển sang một đợt tiêu thụ khác. 

Advertisements