Thực phẩm quá nhiều vitamin A
Vitamin A là chất dinh dưỡng quan trọng để phát triển chức năng thị giác cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu bổ sung vitamin A quá mức, thai nhi có thể mang dị tật, nhất là trong 60 ngày đầu của thai kỳ.
Do đó, các chị em đang bầu bí được khuyến cáo không nên ăn quá nhiều các thực phẩm giàu vitamin A, đặc biệt là gan heo và các chế phẩm từ gan như xúc xích gan, pate gan. Ngoài ra, các loại nội tạng như gan cũng chứa nhiều loại ký sinh nguy hiểm và hàm lượng cholesterol khá cao, có thể ảnh hưởng đến huyết áp mẹ bầu, không tốt cho thai nhi.
Trong trường hợp muốn bổ sung dầu gan cá hoặc vitamin tổng hợp trong giai đoạn mang bầu, các thai phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
Cá có hàm lượng thủy ngân cao
Cá là thực phẩm giàu protein và axit béo omega-3, đều là những chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của não và mắt thai nhi. Tuy nhiên, nhiều loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao, có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch đang phát triển của bé.
Theo các chuyên gia sức khỏe, cá biển, đặc biệt là các loại cá lớn, lâu năm và sống ở tầng nước sâu thì sẽ tích tụ hàm lượng thủy ngân lớn. Do đó, các thai phụ nên tránh các loại cá như cá ngừ mắt to, cá thu vua, cá cờ, cam nhám, cá kiếm, cá ngói, cá cam. Nếu thuộc “team” đam mê hải sản, mẹ bầu có thể cân nhắc một số loại cá có ít thủy ngân như cá cơm, cá tuyết, cá bơn, cá trích, cá hồi, tôm. Đáng chú ý, cá cơm và cá hồi đều là những lựa chọn tốt cho thai phụ vì chứa nhiều axit béo omega-3 hơn các loại khác.
Cá sống
Nếu mẹ bầu đang là fan của món sushi hoặc sashimi thì hãy học cách nói không với món ăn này ngay từ bây giờ. Trong cá sống thường có nhiều vi khuẩn listeria. Điều dáng nói là theo một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Mỹ), thai phụ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn Listeria cao gấp 10 lần so với người bình thường. Khi ăn cá sống hoặc các thực vật bị ô nhiễm, thai phụ có thể bị nhiễm khuẩn Listeria, từ đó có thể truyền sang thai nhi qua nhau thai và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh non, thai chết lưu, sẩy thai hoặc các tổn hại sức khỏe khác đối với thai nhi.
Thịt, trứng, rau sống
Không chỉ có cá sống, thịt, trứng và rau sống cũng là những loại thực phẩm có hại cho mẹ bầu.
Việc tiêu thụ các loại thịt tái hoặc xúc xích, thịt nguội có thể khiến thai phụ nhiễm các vi khuẩn ký sinh như E. coli, Toxoplasma, Listeria và Salmonell. Những vi khuẩn này đều có thể khiến em bé mắc các bệnh thần kinh bẩm sinh như chậm phát triển trí não, động kinh hoặc mù lòa, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng thai chết lưu.
Ngoài ra, các loại trứng chưa chín hoàn toàn như trứng ốp la lòng đào, trứng chần, sốt trứng gà hay kem tươi đều có thể khiến thai phụ dễ bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Vi khuẩn này có thể gây ra các triệu chứng ở mẹ bầu như nôn mửa, tiêu chảy, buồn nôn. Các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng có thể khiến tử cung co thắt dẫn đến tình trạng thai chết lưu hoặc sinh non.
Bên cạnh đó, danh sách thực phẩm khác mà mẹ bầu nên cảnh giác là các loại rau mầm sống, giá đỗ hoặc rau và trái cây chưa rửa sạch. Những loại thực phẩm này đều có nguy cơ nhiễm khuẩn Toxoplasma, E. coli, Salmonella và Listeria.
Caffeine
Caffeine là hoạt chất có nhiều trong các đồ uống như cà phê, trà xanh, thường giúp thần kinh và trí não tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, thai phụ nên hạn chế lượng tiêu thụ caffeine dưới 200 mg mỗi ngày.
Caffeine được hấp thụ rất dễ dàng và nhanh chóng qua nhau thai vào thai nhi. Trong khi đó, thai nhi lại không có enzym cần thiết để chuyển hóa caffeine. Lượng caffeine tồn đọng cao trong bào thai có thể hạn chế sự phát triển của thai nhi và khiến trẻ sơ sinh có cân nặng thấp khi sinh. Thông thường, những đứa trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5 kg thường có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành hơn số khác.
Theo nghiên cứu, một tách cà phê 240 ml sẽ chứa khoảng 95 mg caffein, một tách trà pha 240 ml sẽ chứa khoảng 47 mg caffein. Do đó, thai phụ có thể cân nhắc sử dụng cà phê và trà xanh mỗi ngày.
Rượu
Rượu là một trong những loại đồ uống “đại kỵ” đối với mẹ bầu và không có mức độ cồn nào được chứng minh là an toàn với phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Theo các chuyên gia sức khỏe, việc sử dụng rượu với liều lượng quá nhiều sẽ khiến thai phụ dễ bị sẩy thai và tăng nguy cơ thai chết lưu. Ngay cả khi chỉ sử dụng một lượng rượu nhỏ, mẹ bầu cũng có thể gây ra hội chứng nghiện rượu ở thai nhi, đồng thời có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Ngoài ra, trẻ sơ sinh được sinh ra bởi các bà mẹ nghiện rượu dễ đối mặt với các dị tật trên khuôn mặt, dị tật tim.
Ngoài các loại thực phẩm kể trên, trong 3 tháng đầu mang thai, các mẹ bầu đặc biệt chú ý tránh các thực phẩm khác như dứa, đu đủ xanh, cua hay nha đam vì chúng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và thai chết lưu.