≡ Làm sạch không khí trong nhà: Có thể bạn chưa biết! 》 Her Beauty

Làm sạch không khí trong nhà: Có thể bạn chưa biết!

Advertisements

Tại các thành phố lớn, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để có một môi trường sống trong lành, hãy cùng thực hiện những giải pháp đơn giản để làm sạch không khí nhé! 

Ô nhiễm không khí đáng báo động

Việt Nam là một trong những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Riêng ở thủ đô, trước khi các biện pháp giãn cách xã hội chưa được thực hiện do dịch bệnh Covid-19 chưa lan rộng, chỉ số ô nhiễm không khí ở thành phố này “vươn lên” đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí trên toàn cầu. 

Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam – tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, chất lượng không khí tại các thành phố lớn ngày càng giảm. Riêng nồng độ bụi mịn PM 2.5 đã vượt chuẩn cho phép nhiều năm. Đây là loại bụi có kích thước nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc, có thể len lỏi sâu vào cơ quan hô hấp cũng như máu của chúng ta, từ đó có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Theo một kết quả nghiên cứu, tại Hà Nội, các điểm đo khảo sát tại các điểm ngoài trời có thể ghi nhận đến 27.000-31.000 hạt bụi/cm3 vào giờ cao điểm trước giãn cách. 

Cũng theo ông Tùng, ngoài khí thải từ lưu lượng xe cộ hay từ nhà máy, các tác nhân gây ô nhiễm từ những hoạt động thường ngày của người dân cũng rất đáng chú ý. Ví dụ như hệ thống bếp gas, lò sưởi có thể đẩy ra nhiều chất thải carbon monoxide; hay các sản phẩm như sơn, chất khử trùng, chất bảo quản gỗ chứa nhiều VOCs là một hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Vì nhà cửa ở thành phố thường xuyên đóng kín, không khí trong nhà khó lưu thông nên bụi mịn gây hại trong môi trường gia đình có thể cao hơn đến 5 lần so với ngoài trời. 

Trong khi đó, PGS-TS Trần Ngọc Quang, Đại học Xây dựng, cung cấp một nghiên cứu cho biết, trong môi trường gia đình, khí formaldehyde gây hại phát sinh liên tục qua các sản phẩm nội thất như bàn ghế, sàn gỗ, giường, tủ làm từ gỗ công nghiệp, trong các sản phẩm tẩy rửa có hóa chất, hay qua hoạt động hút thuốc lá, đốt nến, đốt hương, v.v. Theo ông Quang, tại Việt Nam, riêng với các nhà mới xây, nồng độ formaldehyde trong nhà lên đến 370 µg/m³, trong khi nồng độ cho phép là 100 µg/m³. Chất thải này có thể gây ra các bệnh về kích ứng da, dị ứng, viêm da, thậm chí gây nên các vấn đề thần kinh, ung thư. 

Một nghiên cứu khác của EPA – Tổ chức Bảo vệ Môi trường Mỹ cho hay, nhiều vật dụng trong nhà đang là thủ phạm gây ra bụi và nhiều loại vi khuẩn gây hại như các sợi cotton thường có trong chăn, gối, chăn, tấm trải giường, v.v.

Tổ chức Y tế thế giới WHO thống kê, có 4,3 triệu người tử vong sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí trong gia đình. Trong đó, có 34% trường hợp tử vong do đột quỵ, 26% do thiếu máu cục bộ cơ tim, 22% do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 12 % do viêm phổi và 6% chết vì ung thư phổi.

Tự thanh lọc không khí trong nhà 

Mở cửa thường xuyên

Theo các nghiên cứu, các gia đình thường không chú trọng đến việc lưu thông không khí nên bụi bẩn tồn tại với lưu lượng cao hơn nhiều so với ngoài trời. Vì vậy, bạn hãy thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để tránh tình trạng bụi bẩn tích tụ trong nhà, khiến bạn có thể cảm thấy ngột ngạt. Tuy nhiên, với các gia đình đang sống tại khu vực đang có công trình thi công hoặc đường sá, nếu lưu lượng khí thải quá lớn, có thể tìm cách để lọc không khí trong nhà bằng các thiết bị tân tiến như máy lọc không khí hoặc bằng cách trồng cây xanh quanh nhà.  

Loading...

Khắt khe trong sản phẩm tiêu dùng

Nhiều bụi bẩn, chất ô nhiễm không khí cũng xuất phát từ các vật liệu trong gia đình. Vì vậy, khi mua sắm, người dân nên ưu tiên lựa chọn các vật liệu nội thất và chất tẩy rửa “xanh – sạch”, vừa an toàn không chứa khí thải, vừa có khả năng thanh lọc khí hại formaldehyde. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các sản phẩm như máy lọc không khí, máy điều hòa có chức năng diệt khuẩn để loại bỏ các tác nhân gây hại đến chất lượng không khí. 

Trồng loại cây lọc không khí

Cây xanh không chỉ có tác dụng làm đẹp mà nhiều loại còn đóng vai trò như máy lọc không khí tự nhiên trong nhà. Các loại cây thường được dùng để tái tạo không khí, tạo khí O2, giảm bức xạ và điện từ trong nhà bao gồm cây lan ý, cây lưỡi hổ, cây trầu bà, hồng môn, nha đam, tuyết tùng, thường xuân, v.v. 

Tinh dầu làm sạch không khí

Nhiều loại tinh dầu cũng có thể là trợ thủ giúp làm sạch không khí trong nhà ngay lập tức. Cụ thể, tinh dầu sả hoặc vỏ quế có tác dụng “thanh tẩy” vi khuẩn trong nhà; tinh dầu lá thông chứa pinene có tính chất kháng khuẩn, giúp làm sạch không khí; tinh dầu tràm trà, khuynh diệp giúp tiêu diệt virus cúm trong không khí; hay tinh dầu bạc hà giúp lọc các chất độc môi trường, v.v. Ngoài việc lọc sạch vi khuẩn trong không khí, việc sử dụng các loại tinh dầu đúng cách cũng giúp căn nhà có mùi thơm tự nhiên dễ chịu. 

Phân loại rác thải

Rác là một trong những tác nhân gián tiếp gây ra ô nhiễm ao hồ, cống, gây ra bùn thải, từ đó dẫn đến ô nhiễm không khí. Do vậy, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm khí thải, mỗi gia đình nên chủ động phân loại rác thải và tái chế rác tại gia nếu có thể. Các loại rác thải hữu cơ từ rau củ có thể dùng để bón cho rau sạch – điều này đang được nhiều chị em yêu bếp núc áp dụng hữu hiệu trong mùa dịch “tự cung tự cấp” như hiện nay. Trong khi đó một số loại rác thải vô cơ từ chai, lọ cũng có thể dùng làm đồ trang trí gia đình hoặc tái chế cho các mục đích khác nhau. 

Bên cạnh các hoạt động này, bạn cũng có thể tham gia các chiến dịch cộng đồng như tắt máy khi dừng đèn đỏ, ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng khi lưu thông, v.v. để góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm không khí. 

Advertisements