≡ Những nhà từ thiện hào phóng nhất Châu Á 》 Her Beauty

Những nhà từ thiện hào phóng nhất Châu Á

Advertisements

Họ là những người đã tích cực đóng góp cho hoạt động từ thiện, góp phần thay đổi thế giới theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Năm 2019, họ được Forbes vinh danh là những nhà từ thiện hào phóng nhất Châu Á.

  1. Azim Premji

Azim Premji, sinh năm 1945, là một doanh nhân người Ấn Độ. Ông đã từng giữ vị trí Chủ tịch của công ty Wipro Limited.Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã đóng góp tới 21 tỷ đô la Mỹ cho các hoạt động từ thiện. Năm 2019, ông đã đóng góp toàn bộ cổ phiếu trị giá 7,6 tỷ đô la Mỹ của mình ở Wipro Limited cho quỹ về giáo dục của ông. Quỹ này được thành lập từ năm 2000. Hiện nay, Quỹ đang cộng tác với khoảng 200.000 trường học ở Ấn Độ nhằm hỗ trợ đào tạo giáo viên và cung cấp chương trình đào tạo tốt hơn cho các trường. Ông cũng được vinh danh là người từ thiện hào phóng nhất Châu Á năm 2019 bởi Forbes.

2. Jack Ma

Jack Ma, sinh năm 1964, là nhà sáng lập kiêm chủ tịch, tổng giám đốc công ty thương mại điện tử nổi tiếng Alibaba. Ông tham gia từ thiện kể từ năm 2014 với việc thành lập Quỹ Jack Ma. Kể từ đó đến nay, Quỹ đã ủng hộ khoảng 300 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động từ thiện như hỗ trợ khu vực ngập lụt ở Hangzhou (14 triệu đô la Mỹ), cùng với Quỹ Alipay và Joe Tsai hỗ trợ 143 triệu đô la Mỹ cho phát triển đội bóng đá nữ Trung Quốc, hỗ trợ khoảng 75 triệu đô la Mỹ cho việc đào tạo giáo viên và các cấp quản lý giáo dục nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục ở khu vực nông thôn và khu vực còn nghèo khó của Trung Quốc. Quỹ Jack Ma cũng ủng hộ các hoạt động có ý nghĩa khác ở nhiều nước Châu Á, Châu Phi và Trung Đông. Năm 2020, khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, Quỹ Jack Ma đã ủng hộ khẩu trang và các thiết bị y tế cho WTO và các nước trên khắp thế giới. Quỹ cũng hỗ trợ các nỗ lực phát triển vắc xin và thành lập mạng lưới trao đổi giữa các chuyên gia y tế quốc tế. Tổng giá trị ủng hộ lên tới 476 triệu đô la Mỹ.

3. Theodore Rachmat

Theodore Rachmat, 77 tuổi, là người sáng lập tập đoàn Triputra Group – Indonesia. Năm 2018, ông đã hỗ trợ gần 5 triệu đô la Mỹ cho A&A Rachmat Compassionate Service Foundation, tổ chức được thành lập vào năm 1999 với tư cách là một quỹ học bổng. Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ sinh viên trong học tập thông qua các suất học bổng và tổ chức các chương trình đào tạo hàng năm cho giáo viên tiểu học. Từ năm 2005, Quỹ mở rộng phạm vi hỗ trợ đến lĩnh vực y tế và mục tiêu thành lập các phòng khám giá rẻ ở khu vực nông thôn. Tổng số tiền mà Theodore Rachmat đã đóng góp cho Quỹ đã lên tới 12,5 triệu đô la Mỹ.

Loading...

4. Jeffrey Cheah

Sinh năm 1945, Jeffrey Cheah là chủ tịch tập đoàn Sunway Group (Malaysia). Từ năm 2018, thông qua quỹ từ thiện cùng tên, ông đã ủng hộ khoảng 39 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ học bổng cho sinh viên và các chương trình liên quan đến giáo dục. Ông cũng hỗ trợ tài chính cho các trường tiểu học công, hỗ trợ lên tới 2,5 triệu đô la Mỹ cho SJKC Chee Wen ở bang Selangor và SJKC Gunong Hijau ở bang Perak, hỗ trợ 6 triệu đô la Mỹ cho các trường ở Malaysia. Ông cũng dần chuyển giao phần sở hữu của mình ở Sunway Education Group trị giá khoảng 236 triệu đô la Mỹ cho quỹ từ thiện Jeffrey Cheah.

5. Judith Neilson

Là người sáng lập và bảo trợ của các dự án JN (Australia), Judith Neilson (73 tuổi) đã cam kết ủng hộ 100 triệu đô la Úc, tương đương 72 triệu đô la Mỹ năm 2018 để thành lập học viện Judith Neilson dành cho báo chí và ý tưởng ở Sydney. Học viện có vai trò hỗ trợ tài chính, giáo dục và các sự kiện nhằm khuyến khích những nhà báo độc lập có năng lực phát triển. Judith Neilson cũng được biết đến với tư cách là một trong những nhà sưu tập có tiếng về nghệ thuật đương đại Trung Quốc và chủ sở hữu 21% của tập đoàn đầu tư toàn cầu Platinum Asset Management.

6. Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung

Hai vợ chồng ông bà Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung là đồng sáng lập kiêm chủ tịch và phó chủ tịch HĐQT công ty Công ty CP đầu tư và kinh doanh golf Long Thành. Từ năm 2018, hai vợ chồng bà đã ủng hộ 11 triệu đô la Mỹ cho rất nhiều hoạt động từ thiện ở Việt Nam và Lào. Trong khoảng thời gian từ đầu 2018 đến tháng tư 2019, ông Kiểm đã ủng hộ gần 5 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ những gia đình cựu chiến binh ở Việt Nam trong khi đó bà Nhung đã ủng hộ khoảng 5 triệu đô la Mỹ cho các tổ chức từ thiện hướng tới mục tiêu hỗ trợ trẻ em bị bệnh tim mạch và hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Bên cạnh đó, kể từ 2009, sau khi thành lập quỹ học bổng, ông Kiểm đã hỗ trợ 900.000 đô la Mỹ cho sinh viên Đại học Thủy Lợi dưới hình thức học bổng. Trong suốt hơn 10 năm qua, hai ông bà đã hỗ trợ khoảng 20 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động từ thiện ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Nhật Bản. Năm 2020, hai ông bà đã ủng hộ khoảng gần 1 triệu đô la Mỹ (20 tỷ đồng) cho MTTQ Việt Nam để phòng chống dịch Covid-19. Hai ông bà được vinh danh trong danh sách những doanh nhân hào phóng nhất Châu Á năm 2019 của Forbes.

Advertisements