≡ Được dùng nhiều trong các món ăn chơi nhưng loại quả này có thể khiến bạn dị ứng, hạ đường huyết 》 Her Beauty

Được dùng nhiều trong các món ăn chơi nhưng loại quả này có thể khiến bạn dị ứng, hạ đường huyết

Advertisements

Không chỉ là món ăn chơi thú vị với muôn vàn cách chế biến, quả vả cũng có rất nhiều công dụng trong việc hỗ trợ chữa bệnh. Tuy nhiên, với một số người, “anh em song sinh” của họ nhà sung này có thể gây ra các tác dụng phụ như dị ứng, tiêu chảy, hạ đường huyết. 

Cây vả – họ hàng của cây sung

Cây vả có tên khoa học là Ficus roxburghii Wall. ex Miq, là loại quả cùng chi Ficus với sung, một loại trái cây quen thuộc vừa làm cảnh, vừa có thể chế biến món ăn của người Việt. Loại trái cây này có nguồn gốc ở Ấn Độ – Malaysia và là một loại trái cây thông dụng ở các nước châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippin, Lào và cả ở Việt Nam. 

Riêng tại Việt Nam, do phù hợp với khí hậu mưa ẩm nhiệt đới, cây vả thường mọc tự nhiên ở các tỉnh cao nguyên, vùng núi rải rác từ Bắc vào Nam. Thậm chí, một số người dân còn trồng cây vả trước nhà, trong vườn hoặc cạnh bờ ao để tiện sử dụng hằng ngày. 

Cả quả vả và quả sung đều có hình dáng, ruột và vị giống nhau nên chúng được xem là “anh em họ”. Thậm chí dân gian còn có câu “lòng vả cũng như lòng sung” là vì sự tương đồng của hai loại trái cây này. 

Công dụng của vả 

Giống như sung, vả cũng được sử dụng trong các món ăn chơi hàng ngày. Lá non của cây vả được dùng như rau để ăn cùng thịt luộc, nem chua. Trong khi đó, quả vả non được dùng để ăn sống với muối ớt hoặc được cắt lát mỏng để làm gỏi, ăn cùng ốc luộc, thịt luộc. Quả vả cũng được dùng để muối chua, nấu canh, kho hoặc hầm. Ngoài ra, quả vả cũng được sử dụng để làm trà hoặc bánh mứt và trở thành món ăn chơi “khoái khẩu” của nhiều gia đình Việt. 

Loading...

Bên cạnh việc “góp mặt” trong các món ăn, quả vả cũng được sử dụng phổ biến như một vị thuốc dân gian lâu đời. Rễ và lá vả có thể dùng để giải độc, trị sưng phù. Trong khi đó, quả vả có tính bình, vị ngọt nên được dùng để nhuận tràng, trị táo bón, trĩ, tiêu đờm, thanh nhiệt, lợi tiểu. Quả vả vừa chín tới cũng có thể sấy khô và ngâm rượu trắng để chữa bệnh suy nhược, kém ăn. 

Không dừng lại ở đó, quả vả cũng được kết hợp với các vị thuốc khác trong các bài thuốc đông y để chữa đau họng, giải cảm, trị ngộ độc hoặc dùng để tăng tiết sữa cho phụ nữ mới sinh em bé. 

Ai không nên ăn vả?

Theo TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam, tại Việt Nam, có 2 loại cây vả gồm vả muỗi và vả mật (vả nếp). Điểm khác biệt là khi chín, vả muỗi sẽ có nhiều muỗi bâu quanh lõi. Vả muỗi không có vị ngon và thậm chí có thể khiến người dùng bi say sẩm nếu ăn quá nhiều. Trong khi đó, quả vả mật khi chín sẽ thơm và có vị ngọt và có thể trở thành món ăn giúp giảm cơn đói khát, giống như quả sung chín. 

Trong quả vả có hàm lượng đường cao nên có thể gây ra chứng tiêu chảy hay sâu răng ở trẻ nhỏ. Những người có tiền sử dị ứng với mủ cao su tự nhiên cũng nên tránh dùng quả vả bởi loại quả này có thể gây dị ứng. Bên cạnh đó, do có tác dụng hạ đường huyết nên quả vả cũng là “đại kỵ” đối với những người bị huyết áp thấp, bị tiểu đường đang sử dụng insulin hoặc chuẩn bị phẫu thuật. Bên cạnh đó, những người đang có bệnh lý về xương khớp, bệnh gout hoặc có bệnh liên quan đến gan, thận cũng không nên dùng loại quả này. 

Advertisements